Người bị buộc tội chỉ có thể khai báo khi có mặt luật sư. Quyền có được bào chữa và quyền im lặng là 2 trong số các quyền cơ bản được luật pháp nước Mỹ quy định.
Ở nước ta, “Quyền im lặng” không được quy định cụ thể trong luật; BLTTHS năm 2015 không nêu khái niệm về “Quyền im lặng”, nhưng đã cụ thể hóa một số nguyên tắc cơ bản về quyền con người, quyền công dân của Hiến pháp năm 2013 như: Điều 59 đến Điều 62 của BLTTHS năm 2015 quy định quyền của người bị buộc tội được “Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”. Quyền này được thể hiện xuyên suốt từ khi bị bắt, bị khởi tố cho đến xét xử.
Các điều luật nói trên là nội dung của quyền im lặng, quy định này nhằm bảo đảm tính minh bạch của pháp luật, được xem là quy định tiến bộ vượt bậc, bảo vệ quyền công dân, giải quyết được nhiều bất cập trong các vụ án mà các cơ quan tiến hành tố tụng sử dụng lời khai bất lợi cho bị can, bị cáo hoặc chỉ sử dụng duy nhất lời nhận tội của họ để kết tội họ khi đưa ra truy tố, xét xử.
Không phải trường hợp nào bị can, bị cáo cũng sử dụng “ quyền im lặng ” là tốt cho bị can, bị cáo.
Cần phải có sự cân nhắc khi sử dụng quyền này, không nên lạm dụng.
Vận dụng quyền im lặng như thế nào để có hiệu quả? Đây là một vấn đề khó căn cứ vào từng vụ việc khác nhau thì việc vận dụng quyền im lặng cũng khác nhau. Có thể chia thành hai trường hợp:
+ Vận dụng quyền im lặng mang chiều hướng tích cực: Đối với những vụ án khi mà chứng cứ buộc tội chưa đủ sức thuyết phục hoặc có sức thuyết phục không cao thì cơ quan tố tụng (Tòa án, Viện Kiểm sát, Cơ quan điều tra) phải dựa vào lời khai trước đó của bị can, bị cáo hoặc lời khai trước tòa để làm căn cứ xem xét vụ việc. Như vậy, trường hợp bị can, bị cáo sử dụng quyền im lặng (không khai báo chứng cư chống lại mình). Các cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm chứng minh một công dân nào đó là có tội và theo nguyên tắc suy đoán vô tội nếu không có bằng chứng thì họ không thể tuyên ai đó có tội được. Mặc khác, theo luật bồi thường nhà nước nếu xử oan sai thì họ đối diện với nhiều nguy cơ pháp lý không tốt. Như vậy, chúng ta cần vận dụng thông minh và đúng lúc quyền im lặng để bảo vệ mình trước những rủi ro pháp lý.
+ Vận dụng quyền im lặng mang chiều hướng tiêu cực : Không khai báo từ đầu kể cả tình tiết pháp lý có lợi cũng như bất lợi. Trong trường hợp này nếu cơ quan tiến hành tố tụng chứng minh được hành vi cấu thành tội phạm thì việc không khai báo có thể bị tước mất một trong những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là “thành khẩn khai báo, ăn lăn hối cải” theo luật. Chúng ta không nên hiểu là im lặng mọi lúc, mọi nơi sẽ tốt mà cần phải biết khi nào nên im lặng khi nào không.