Ông Thăng có quan hệ thân thiết với ông Hệ?
Trong phần xét hỏi, cho rằng một lời khai của bà Dương Thị Trâm Anh (nguyên phó tổng giám đốc Tổng công ty Cửu Long) chưa được ghi nhận trong cáo trạng, luật sư đã xin phép HĐXX công bố lời khai này.
Cụ thể, bà Trâm Anh khai khoảng tháng 10-2013, ông Nguyễn Xuân Ảnh - thư ký của ông Đinh La Thăng - điện thoại cho bà Trâm Anh, nói "anh Út (ông Đinh Ngọc Hệ) có ý muốn vào mua quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương".
Lần thứ 2, cũng trong tháng 10-2013, sau khi kết thúc cuộc họp ở Bộ Giao thông Vận tải, ông Nguyễn Xuân Ảnh gặp bà Trâm Anh nói "việc hôm trước chị quan tâm nhé". Nhưng bà Trâm Anh cho rằng mình không có quyền hạn, chỉ làm theo quy định.
Tại tòa, bà Trâm Anh công nhận lời khai này là đúng. Bà cho biết ông Ảnh gọi điện cho bà bằng số máy lạ, bà sơ ý không ghi lại số máy đó.
Trong phiên tòa trước đó, bà Trâm Anh khai chưa từng gặp ông Hệ cho đến khi ký hợp đồng mua bán quyền thu phí. Lúc này, bà Trâm Anh mới nhớ ra sinh nhật ông Thăng là ngày khởi công cầu Vàm Cống, bà đến khách sạn nơi ông Thăng ở để chúc mừng sinh nhật thì gặp ông Hệ đang ở đó.
Ngoài ra, khi Công ty Yên Khánh mãi không trả tiền, bà đã nhờ ông Nguyễn Hồng Trường có cách gì đôn đốc giúp thì ông Trường đùa "xuống tầng 2 mà đòi".
Tương tự, ông Dương Tuấn Minh (nguyên tổng giám đốc Tổng công ty Cửu Long) cũng khai ông Thăng đã gọi điện giới thiệu ông Hệ là người của Công ty Thái Sơn, có quan tâm đến một số dự án mà Cửu Long đang thực hiện.
Sau khi ông Thăng gọi điện giới thiệu, 1-2 ngày sau ông Hệ gọi điện, giới thiệu là Út ở Công ty Thái Sơn. Ông Minh nói: "Tôi nghe anh Thăng giới thiệu, và hẹn tuần sau. Hôm đấy là thứ tư". Đến trưa chủ nhật, ông Minh nhận được cuộc gọi của ông Thăng, khuyên ông phải hẹn thời gian cụ thể.
Tuy nhiên, trong phiên tòa, cả ông Đinh La Thăng và ông Đinh Ngọc Hệ đều phủ nhận mối quan hệ này.
725 tỉ thu phí cao tốc của ai?
Trong chiều nay, luật sư cũng dành nhiều thời gian để làm rõ về việc Công ty Yên Khánh thu tiền từ việc thu phí thì số tiền này là của Công ty Yên Khánh hay của Nhà nước.
Trả lời luật sư, ông Nguyễn Hồng Trường (nguyên thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải) cho rằng hợp đồng mua quyền thu phí giữa Công ty Yên Khánh và Cửu Long, ngoài số tiền bán đấu giá quyền thu phí 2.004 tỉ, nếu sau 30 ngày không thanh toán đúng tiến độ thì bên A có quyền chấm dứt hợp đồng. Nếu bên B chậm nộp thì sẽ tính lãi suất số tiền chậm nộp.
Ông Đinh La Thăng cũng thừa nhận theo hợp đồng, khi đã mua quyền thu phí, thanh toán đủ tiền cho Công ty Cửu Long thì Công ty Yên Khánh được quyền chuyển nhượng quyền thu phí cho đơn vị khác, nhưng phải báo cáo Công ty Cửu Long, Bộ Giao thông vận tải. Trong quá trình thu phí, Công ty Yên Khánh phải thu theo quy định. Số tiền còn dư, đơn vị mua quyền thu phí được hưởng.
Chủ tọa phiên tòa cũng hỏi ông Thăng, nếu bằng thủ đoạn gian dối mà có được quyền thu phí này thì hợp đồng này có giá trị không? Ông Thăng cho rằng những việc trái pháp luật phải xử lý theo quy định pháp luật.
Trả lời câu hỏi số tiền 725 tỉ chênh lệch lệch giữa doanh thu thực tế và doanh thu trên sổ sách thuộc quyền sở hữu của ai, ông Đinh Ngọc Hệ cho rằng ông đã thanh toán 2.004 tỉ mua quyền thu phí, nên số tiền này là của ông. "Số tiền này là của tôi, lời ăn lỗ chịu", ông Hệ khẳng định.
Về cáo buộc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để được mua biệt thự giá rẻ, ông Hệ cho rằng ông bị khởi tố ngược. Ông đặt cọc mua căn nhà này vào năm 2013. Trong khi đó, cuối năm 2013, liên danh thực hiện dự án BOT Việt Trì mới được Bộ Giao thông vận tải thành lập. Khi ông mua căn hộ này, BOT chưa hình thành, nên chưa thể có ảnh hưởng gì.
Phiên tòa kết thúc xét hỏi, sáng mai 18-12, VKS sẽ luận tội 20 bị cáo.
TUYẾT MAI - HOÀNG ĐIỆP (Báo tuổi trẻ)